I. Một bộ môn âm nhạc rất đặc biệt
Trong cả ba miền nước Việt Nam, chúng ta đều có những loại nhạc trong dân gian, dính liền với đời sống con người từ lúc sơ sanh đến lúc trở về với các bụi như những điệu Hát ru, Ðồng dao, Hò, Lý đối ca nam nữ, Hò đưa linh; ca nhạc loại thính phòng như Ca trù miền Bắc, Ca Huế miền Trung, Ca tài tử miền Nam; ca nhạc sân khấu như Hát chèo, Hát tuồng, Hát cải lương, Hát bài chòi…
Âm nhạc tôn giáo như các lối tán tụng trong Phật giáo, các điệu Chầu văn, Hầu văn, Rổi bóng.
Nhưng nhạc cung đình chỉ có miền Trung, và đặc biệt tại Huế mới còn có di tích của một bộ môn âm nhạc rất độc đáo, tinh vi mà chúng ta đến ngày nay chưa nhận thấy được hết cái giá trị của bộ môn đó.
Ðặc biệt vì chẳng có bộ môn âm nhạc nào được ghi vào sử sách Việt Nam từ xưa đến giờ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của các triều đại, biến cố trong đất nước, vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể, có thể dùng làm những bài học cho chúng ta về nhiều mặt nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản phong phú và quan điểm thẩm mỹ rất sâu sắc.
Ðặc biệt vì không có bộ môn nào bao gồm tất cả các bộ môn khác từ nhạc lễ có thể dùng vào các cuộc tế lễ nhỏ to, thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng để sáng tạo và biểu diễn.
Ðặc biệt vì không có bộ môn âm nhạc nào có nhiều loại nhạc khác nhau như Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Ðại triều nhạc, Thường triều nhạc, Ðại yến nhạc, Cung trung chi nhạc và Cứu nhựt nguyệt giao trùng nhạc.
Ðặc biệt vì không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên, nhiều nhạc khí, cần nhiều xiêm y như nhạc Cung đình.
Trong bài tham luận hôm nay, chúng tôi chỉ đặt trọng tâm vào hai điểm: giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật.
II. Giá trị lịch sử
Muốn hiểu biết âm nhạc cung đình Huế từ nhà Nguyễn (1802-1945) đến nay, chúng ta có bộ Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ quyển thứ 99, bản chữ Hán, quyển thứ 7, bản âm ra chữ Quốc ngữ. Tất cả các bạn già trẻ đã đi vào con đường nghiên cứu nhạc Cung đình Huế đều biết.
Ngoài ra còn có những chi tiết về nhạc Cung đình Huế trong Minh Mạng chính yếu (chữ Hán)
Khâm định Ðại Thanh hội điển sự lệ, quyển 538, tờ 3b, trong đó có ghi rành rẽ chi tiết của dàn nhạc mang tên là An Nam quốc nhạc, từ lúc vua Quang Trung gởi một phái đoàn hữu nghị sang Trung quốc dưới thời vua Càn Long, và lúc đó dưới triều nhà Thanh, có một dàn nhạc cung đình mà sử gia nhà Thanh đã cho tên “An Nam quốc nhạc”. Chúng tôi nghĩ như thế vì vua Càn Long phong cho vua Quang Trung tước An Nam quốc vương, do đó mới có danh từ An Nam quốc nhạc ghi trong bộ sách Khâm định Ðại Thanh hội điển sự lệ xuất bản năm 1908. (Thư viện Hội châu Á – Société asiatique) (1)
Trong đoạn về dàn nhạc Cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18, người viết sử ghi tên nhạc khí bằng chữ Nôm:
1 cái cổ (trống đan diện cổ, một mặt, trống bảng)
1 cái phách (sinh tiền)
2 cái sáo (cũng như ngày nay)
1 đàn huyền tử (tức tam huyền tử, đàn tam)
1 đàn hồ cầm (đàn nhị)
1 cái đàn song vận (nguyệt cầm)
1 cái đàn tỳ bà (tỳ bà)
1 cái tam âm la (tam âm la)
Có đoạn ghi về các vũ sinh mặc áo rộng thêu rồng, thắt lưng màu xanh, đầu bịt khăn, tay cầm quạt xanh.
Nhạc công mặc áo màu vàng, thắt lưng màu xanh dương, và đầu bịt khăn như vũ sinh.
Chúng ta thấy rằng, ngày nay số nhạc khí của dàn Nhã nhạc hay Tiểu nhạc cũng không có gì thay đổi.
Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam quốc nhạc vì vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và đặt tên nước là Việt Nam. Theo ông Maurice Courant từ năm 1803, dàn nhạc Việt Nam quốc nhạc không còn có mặt trong 9 loại nhạc nước ngoài tại triều nhà Thanh nữa (2).
Trong Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế) hai ông Orland và Cadière đã nghiên cứu về lễ Tế Nam Giao đã cho chúng ta biết rằng từ năm 1848 đến 1915, năm hai ông đăng bài Le sacrifice de Nam Giao (Tế Nam Giao) trong Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế tháng tư và tháng sáu dương lịch (Avril-Juin), Tế Nam Giao không có gì thay đổi. Năm 1936, ông Louis Cadière trong bài về Tế Nam Giao lại xác nhận một lần nữa rằng không có chi thay đổi cả (Le rituel du sacrifice de Nam Giao – BAVH 1936).
Công trình nghiên cứu về nhạc múa cung đình vẫn tiếp tục.
Ngoài quyển Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam của hai tác giả Ðỗ Bằng Ðoàn và Ðỗ Trọng Huề, dầy 563 trang, do Nhà Hoa lư xuất bản tại Sài Gòn năm 1967, còn có sách của em Trần Kiều Lại Thủy, những công trình nghiên cứu của anh Hoa, của anh Thái công Nguyên và các anh chị em trong Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Nếu không đề cập đến Nhạc cung đình Huế, mà đi ngược dòng lịch sử, thì ngoài các tư liệu lịch sử, còn có tư liệu khảo cổ giúp cho chúng ta thấy qua tính cổ đại của Nhạc cung đình.
Về sử sách có lẽ lần đầu tiên chúng ta có chi tiết về một dàn Nhạc cung đình từ đời nhà Trần, dàn Ðại nhạc, ghi trong An Nam chí lược của Lê Tắc trong đó có kèn tất lật (gốc từ Trung quốc), trống “phạn cổ” là trống cơm mà tác giả có ghi “bổn vi Chiêm thánh dã”; đi xa hơn nữa có thể đi đến trống Mridangam của Ấn độ miền Nam tiểu quản, tiểu bạt, đại cấu (3)…
Nhưng trước đời nhà Trần, dưới đời nhà Lý, trên mấy tảng đá dưới chân cột chùa Vạn Phúc, Phật Tích tỉnh Bắc Ninh có chạm 10 nhạc công đang dùng nhiều nhạc khí gốc Trung quốc và Ấn độ như đàn tranh, đàn hồ, đàn tỳ bà, đàn 3 dây có thùng tròn như đàn nguyệt, có sáo ngang, ống tiêu hay ống quản, có ống sanh, có phách và trống phong yêu cổ. Phải chăng đó là những nhạc khí có thể dùng trong cung đình, và trong các chùa khi có đại lễ? Ðó là một nghi vấn, một giả thuyết mà chúng ta cần xem xét lại (4).
Rồi đến đời nhà Lê có thêm nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư (1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), Nguyễn Trãi đã từ chối nhiệm vụ vua giao cho để cùng với Lương Ðăng, định Nhã nhạc cho triều đình. Lương Ðăng muốn sắp đặt các dàn nhạc Ðường thượng chi nhạc và giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh, và Ðường hạ chi nhạc giống như các dàn nhạc Ðơn bệ đại nhạc, và Giáo phường ty nữ nhạc của nhà Minh (5), Nguyễn Trãi dựng biểu cho nhà vua để từ chối nhiệm vụ vua giao phó. Bức thư của Nguyễn Trãi là một bài rất sâu sắc về mặt nội dung của nhạc, thái độ của một người nhạc sĩ chân chánh (6). Bức thư đó có được ghi lại trong Ðại Việt sử ký toàn thư và Ức Trai di tập.
Ngoài ra còn những quyển sử khác có ghi đôi nét về nhạc lễ cung đình qua các thời đại như Quốc triều thông lễ (dưới triều vua Trần Thái Tông), Trần triều đại diễn (dưới triều vua Trần Dụ Tông), Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Vũ trung tùy bút của Phạm Ðình Hổ…
III. Giá trị nghệ thuật
Ði từ cụ thể tới trừu tượng, so với các bộ môn khác, Nhạc cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao.
1. Tài năng của Nhạc sĩ nhạc công rất cao.
Ðó cũng là lẽ tất nhiên, vì triều đình có đủ khả năng chánh trị và tài chánh để qui tụ lại những nhạc sĩ, nhạc công có tài từ khắp nơi trong đất nước, tạo điều kiện thuận tiện cho các nghệ sĩ ấy có nhiều thì giờ và phương tiện để luyện tập kỹ thuật, trau dồi nghệ thuật, để thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.
2. Nhạc khí xinh đẹp nhờ được đóng ráp kỹ, chạm cẩn khéo, hơn nhạc khí dùng trong dân gian.
3. Các nhạc khí được dùng trong Nhạc cung đình lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (Khánh), tiếng đồng… Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn Tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo…
4. Các dàn nhạc cũng đa dạng, và qui mô hơn các dàn nhạc khác.
Hiện nay có hai dàn nhạc Ðại nhạc gồm kèn, trống và bộ gõ. Có thể có đàn nhị.
Kèn cũng có nhiều loại: kèn đại, kèn trung, kèn tiểu. Không phải loại kèn đồng, như Suona của Trung quốc mà ta gọi là “kèn song hỷ”. Kèn dùng trong Nhạc cung đình là loại kèn bầu, bát kèn làm bằng gỗ.
Trống có đủ loại: từ trống lớn nhứt đại cổ, qua các trống tiểu cổ, một cặp trống Võ (tiếng cao tiếng thấp, cóá âm có dương), trống một mặt, có bồng, có trống cơm.
Bộ gõ bằng gỗ có mõ, có phách tiền, bằng kim khí có chuông to chuông nhỏ, đại la, tiểu la, chập chõa.
Tiểu nhạc hay Nhã nhạc gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc (vì vậy có khi dàn nhạc được gọi là Ti Trúc tế nhạc). Dây tơ có loại dây khảy đàn nguyệt hai dây, đàn tam ba dây, đàn tỳ bà bốn dây. Có đàn dùng cung để kéo như đàn nhị. Có cả bộ gõ tuy chỉ gồm ba nhạc khí mà có trống bịt da một mặt, có tam âm la bằng kim khí, có sinh tiền, quán tiền phách, một nhạc khí vô vùng độc đáo, một nhạc cụ mà có ba chức năng: gõ, cọ quẹt và rung (theo sắp loại nên phương Tây thì sinh tiền vừa thuộc loại gõ (cliquettes, râcleur, và sistre, tức là idiophone par entrechoc, idiophone par râclage, idiophone par secouement).
Ngày nay các nhạc khí không nhiều như ngày xưa. Dàn Cổ xúy đại nhạc(7) trước kia gồm có 20 cổ trống
8 minh ca, kèn thổi bằng lá
4 câu giốc (sừng trâu)
4 sa la (loại thanh la lớn)
4 tiểu sa (thanh la nhỏ)
3 hải loa (con ốc to)
Tất cả gần 50 nhạc công.
Trong những buổi Tế Giao, còn có Ty cổ, Ty chung, Ty khanh.
5. Như vậy, các dàn nhạc chẳng những đa dạng và qui mô, còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Khi hòa hợp không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác, mà mỗi nhạc khí đều được nghe rõ ràng.
Trong dàn Nhã nhạc ta có thể nghe tiếng chững chạc trang nghiêm của đàn nguyệt, tiếng chuyền tiếng rơi vào nhịp ngoại, tiếng chầy, tiếng “phi” bay bướm của tỳ bà, tiếng trong nhờ nhạc công đàn nhị dùng tay mặt kéo cung, tay trái vuốt ve “nên lời dịu ngọt”, tiếng đục của đàn tam đem tiếng thổ chen vào tiếng kim của tam âm la, với tiếng nỉ non vi vút “như tiếng hạc bay qua” của hai ống sáo, tất cả nhạc khí ấy cùng theo nhịp do tiếng trống bảng dìu dắt, tiếng trống khi khoan khi nhặt, khi đánh nhịp chánh diện khi vào nội phách khi ra ngoại phách, toàn bộ dàn Nhã nhạc, liên tục trong 10 bài Ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phẩm Tuyết, Nguyên Tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ Quảng, Liên Hoàn, Bình Bán, Tây Mai, Kim Tiền, rộn rã từ Xuân Phong, Long Hổ đi dến náo nhiệt qua cấp điệu như tiếng vó ngựa trong bài Tẩu Mã.
6. Thang âm điệu thức đa dạng, tiết tấu phong phú, bài bản dồi dào.
Ngoài hai loại thang âm của hai điệu thức chánh trong nhạc thính phòng diệu Bắc (cũng gọi là điệu Khách), điệu Nam; chúng ta còn được nghe chuyển hệ chuyển Hò trong khi Nhạc đi từ Bông qua Mã Vũ đến Mang.
Riêng tiếng kèn trong bản Tam luân cửu chuyển, đã chuyển Hò lên lần lần theo chín bực là một thí dụ rất độc đáo, không tìm thấy trong bộ môn âm nhạc nào của Nhạc truyền thống Việt Nam.
Trong khuôn khổ bài nầy, chúng tôi không đi sâu vào việc phân tích các bài bản để chứng minh những thang âm điệu thức hay tiết tấu qua các bài bản trong Ðại nhạc hay Tiểu nhạc. Có dịp khác, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề nầy.
Các bài trống trong các bản Tam luân cửu chuyển, Bông, Mã vu, mang, Du xuân, hay các điệu trống đánh theo “chân phương” hay “hoa lá” khi trống phụ họa theo tiếng kèn độc tấu luôn luôn làm cho người nghe say mê.
Ngoài những bài bản còn được thường dùng, còn có những bài ngày xưa dùng trong các lễ Tế Giao, trong các Thái Miếu, Thế Miếu, Văn Miếu, trong những buổi Ðại triều, các lễ Vạn Thọ mừng ngày sanh của vua, các buổi vua thiết Ðại yến, lễ phong Nguyên soái, hay những buổi chiêu đãi Sứ Thần nước ngoài.
Còn những bài thuộc loại Cửu tấu ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển Ðại Nam hội điển sự lệ, như trong miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca phải có chữ Hòa (8)
Hàm Hòa trong lúc nghinh thần
Gia Hòa trong lúc hiến lụa
Tương Hòa trong lúc Sơ hiến: dâng rượu lần đầu
Dự Hòa trong lúc Á hiến, dâng rượu lần thứ nhì
Ninh Hòa trong lúc Chung hiến: dâng rượu lần sau cùng
Mỹ Hòa trong lúc dâng trà
Túc Hòa trong lúc dọn các lễ vật
An Hòa lúc tiễn thần
Ưng Hòa trong lúc đem đuốc đi, sau khi đốt sớ.
Trong Văn Miếu thờ Ðức Khổng Tử, tên những bài hát phải có chữ Văn; trong loại Yến nhạc, tên bài hát phải có chữ Thành dưới triều Gia Long, chữ Khánh dưới triều Minh Mạng thứ 18, chữ Phúc dưới triều Minh Mạng thứ 21…
7. Nhạc Cung đình gồm tất cả các loại nhạc khác
a) Lễ nhạc: Lễ lớn nhỏ trong Ðại Nội, trên đàn Nam Giao, trong các Miếu, trong các Chùa đều có dùng Nhạc cung đình. Một số bài bản trong các dàn nhạc lễ Bát âm ngoài Bắc, Ngũ âm trong nam đều từ Nhạc cung đình mà ra.
Các điệu nhạc Ba hồi chín chập trong Nhạc lễ miền Nam cũng bắt nguồn từ Tam luân cửu chuyển.
Các bài Ðánh thét do lối Thiết nhạc.
Những bài Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc, trong nhạc lễ miền Nam cũng từ các bản nhạc dùng trong Tiểu nhạc của Nhạc cung đình Huế, thay đổi theo thẩm mỹ miền Nam.
b) Nhạc thính phòng. 10 bài ngự Thập thủ liên hoàn, các bản Lưu Thủy Kim Tiền trong nhạc thính phòng cũng từ Nhạc cung đình mà có.
Dàn nhạc thính phòng, nhiều lắm gồm có 6 nhạc khí, ngũ tuyệt tranh, nguyệt, nhị, tỳ, tam hoặc tranh, nguyệt, nhị, tỳ, độc huyền, thêm ống sáo. Nhã nhạc cũng loại thính phòng, nhưng nhiều nhạc khí lại có được ba nhạc khí thuộc bộ gõ, đầy đủ và phong phú hơn.
c) Nhạc Tuồng trong Nhạc cung đình phong phú hơn nhạc Tuồng từ Bình Ðịnh, hay Quảng Nam vì tại Huế tập trung những nhà viết Tuồng có tên tuổi, các đào hay kép giỏi từ các nơi.
d) Các điệu múa cung đình có nhiều cá tính rất độc đáo.
Như điệu múa Lân mẫu xuất lân nhi, tuy là múa lân, nhưng không phải loại lân diễu võ dương oai, đạp pháo, leo cột để đớp tiền, mà trong điệu múa lân của Việt Nam có tình phu thê đầm ấm, tình mẫu tử nồng nàn.
Như điệu múa Lục cúng hoa đăng, phối hợp ánh đèn lung linh với điệu đi uyển chuyển, đội hình thay đổi từng chập, và không có điệu múa nào trên thế giới mà vũ sinh vừa múa theo tiếng nhạc, lại chuyển đội hình từ bề dọc đến bề cao, vũ sinh chồng chất đến 4,5 từng. Các chuyên gia Nhựt Bổn, khi ghi hình điệu múa Hoa đăng cho Ðài NHK, khéo để ánh sáng vừa đủ để thấy mặt mày, xiêm y của diễn viên, mà thấy cả ánh đèn, khi ẩn, khi hiện rất nghệ thuật.
Rồi đến các điệu múa Tứ linh, Long hổ, Phụng vũ, Phiến vũ, Múa kiếm Trưng Vương xuất trận, có văn, có võ, có dịu dàng, có oai nghiêm. Ngày xưa còn các điệu múa Văn, múa Võ phỏng theo Văn Vũ, Võ Vũ có bên Trung quốc, chúng ta đem dùng trong các lễ Tế Giao, Tế Miếu. Còn những điệu chỉ còn thấy trong sách sử như:
Múa Liệt vũ khi Thái Hậu lên ngôi
Múa Thanh hoa chi, Hồng hoa chi, Huỳnh hoa chi, khi tặng lễ vật
Múa Tiên đào quả vũ, khi Thái Hậu về cung (9)
Chỉ nhìn qua bề mặt, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị Nhạc cung đình đã hiển nhiên. Chỉ đi chưa hết chiều dài của thời gian lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc cung đình của chúng ta với Ya yue Trung quốc, Gagaku của Nhựt Bổn, Ah Ak, Tang Ak, Hyang Ak của Triều Tiên mà ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện.
Ðã nhìn xem Nhạc cung đình trong hiện tại, đã tìm hiểu Nhạc cung đình qua lịch sử, đã đến lúc ta hướng tầm nhìn về tương lai để định việc chúng ta phải làm gì, chẳng những bảo tồn di sản nghệ thuật mà cha ông chúng ta đã truyền lại cho chúng ta, từ đời trước đến đời nay, mà còn phải bồi đắp thêm di sản đó bằng những sáng tạo mang dấu ấn của thời đại mà không mất bản sắc dân tộc Việt Nam, để làm tròn nhiệm vụ của chúng ta đã thừa hưởng gia tài của ngàn xưa thì cũng phải xây dựng một chút gì để truyền lại ngàn sau (Xem thêm phụ lục: Một vài kiến nghị về Nhạc cung đình).
T.V.K
(178/12-03)
——————-
(1) Tôi đã có nhắc đến sự có mặt của dàn nhạc đó trong quyển luận án của tôi về Nhạc truyền thống Việt Nam (La musique vietnamienne traditionnelle) bảo vệ năm 1958, in tại Paris năm 1962 do Nhà xuất bản Les Presses Universitaires de France phát hành (Xem trang 53, ghi chú số 3). Trước tôi, Maurice Courant có ghi trong bài viết về Nhạc cổ điển Trung quốc, in trong Bách khoa từ điển do Lavignac chủ biên, Quyển I, (Trang 204, ghi chú số 1).Theo ông Maurice Courant, thì ông đã ghi lại tên dàn nhạc An Nam quốc nhạc trong Ðại Thanh hội điển sự lệ, quyển 413, tờ 13 verso, quyển 414, tờ 11 recto, và quyển 416, tờ 12, 13.
(2) Courant Maurice. Essai historique de la musique classique des Chinois avec un appendice relatif à la musique coréenne…, in Lavignac Albert. Encyclopédie de la Musique et Dictionnaire du Conservatoire Vol.I, Paris, Delagrave, 1923, Trang 204, Chú thích 1.
(3) Lê Tắc, An Nam chí lược, Quyển 1, tờ 12 a
(4) Trần Văn Khê, La Musique Vietnamienne traditionnelle, Paris, Les Presses Universitaires de France, 1962, Hình chụp Planche I, trang 369.
Trần Văn Khê, Instruments révélés par les fouilles archéologiques au Viêt Nam, trong Tạp chí Revue des Arts Asiatiques số VII, 2, Paris, Les Presses Universitaires, 1960,Trang 141-152.
(5) Ðại Việt Sử Ký toàn thư, Quyển 11, tờ 46 a,b.
Xem Ming she (Minh sử) Quyển 61, tờ 7a,b.
Trần Văn Khê, La Musique vietnamienne traditionnelle. Sách đã dẫn, Trang 30-31
(6) Ðại Việt Sử Ký toàn thư, Quyển 11 tờ 35b, 36a, 47b
Ức Trai di tập, Quyển 5, tờ 9b, tờ 11a,
Trần Văn Khê, Sách đã dẫn, Trang 40-41. Trong biểu dâng lên nhà vua, Nguyễn Trãi đã chỉ trích những qui định không căn cứ của Lương Ðăng, và có những suy tư về âm nhạc rất hay. Ðại khái như:
“Hòa bình là gốc của Nhạc
Thanh âm là Văn của Nhạc
Hài hòa là tính chất của Nhạc
Thần mong rằng Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước, không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân: nếu (dân còn buồn thảm hay bất bình), tức là Bệ Hạ đã đánh mất cái gốc của Nhạc”
Ðây là những điều chúng tôi đã ghi ra bằng tiếng Pháp theo bản ý dịch của Cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có Cố Văn hào Ðào Duy Anh xem lại và đã đăng trong luận án Tấn sĩ của tôi về Nhạc truyền thống Việt Nam (Trong sách đã dẫn, trang 40-41)
(7) Ðại Nam Hội điển sự lệ, quyển 99, tờ 35b
Trần Văn Khê, Sách đã dẫn Trang 54
(8) Ðại Nam Hội điển sự lệ, quyển 99, từ tờ 8b tới 16b.
Trong bản dịch ra tiếng Việt và in bằng chữ Quốc ngữ, Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1993; Tập 7, trang 77-83.
Trần Văn Khê, Sách đã dẫn, trang 72-79
(9) Trần Văn Khê, Sách đã dẫn, trang 78
Ðại Nam Hội điển sự lệ, quyển 97, tờ 10b-12a; quyển 72, tờ 20b-22a